Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp giúp học sinh Lớp 3 viết tốt đoạn văn trong môn Tiếng Việt

Trong chương trình học luyện tập viết đoạn văn lớp 3, mỗi tuần học sinh chỉ được học một tiết chính khóa. Trong khi đó số lượng bài tập với nhiều yêu cầu khác nhau như là: quan sát tranh, kể lại hoạt động trong từng tranh, nói về tình cảm, cảm xúc của em đối với một người bạn mà em yêu quý... Nhiều tiết học với 2 bài tập. Bài tập 1 có yêu cầu là nói về một nội dung nào đó, bài tập 2 yêu cầu học sinh viết những điều vừa kể thành một đoạn văn. Thời gian dành cho việc dạy và học phân môn này rất ít. Vì vậy học sinh không có nhiều thời gian cho việc rèn kĩ năng viết và trình bày đoạn văn.

Đa số học sinh nắm được nhiệm vụ học tập song chưa hứng thú, yêu thích phân môn này. Các em ngại viết vì vậy nhiều đoạn văn kết quả chưa đạt yêu cầu. Nguyên nhân là do nhiều em chuẩn bị bài chưa cẩn thận, kĩ năng dùng từ viết câu của học sinh còn nhiều hạn chế. Nhiều em vốn từ còn rất nghèo nàn, lúng túng khi diễn đạt. Nhiều đoạn văn học sinh viết lủng củng, các câu sắp xếp chưa có trình tự, viết chưa thành câu, sử dụng dấu chấm, dấu phẩy chưa đúng, đánh dấu câu tùy tiện, viết sai chính tả. Một số học sinh năng khiếu cũng chưa chú ý nhiều đến việc tập viết câu có hình ảnh, có cảm xúc. Khả năng nối câu, tạo đoạn của các em còn hạn chế. Học sinh còn bỡ ngỡ trước khái niệm “đoạn văn”.

Phần lớn giáo viên đã tích cực nghiên cứu tìm hiểu để nắm chắc nội dung chương trình từ đó xây dựng thiết kế bài học phù hợp với học sinh. Song bên cạnh đó một số giáo viên chưa tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chưa pháp huy được vai trò chủ động sáng tạo, tiềm năng sẵn có của các em, chưa thu hút được học sinh tham gia vào các hoạt động học tập. Giáo viên chưa chú ý đến dạy cho học sinh cách viết một đoạn văn, chưa uốn nắn kịp thời cách dùng từ, viết câu, sử dụng dấu câu cho các em, còn thiếu chú ý đến việc dạy Tiếng Việt trên quan điểm tích hợp nên kết quả viết đoạn văn của học sinh còn thấp.

Bên cạnh đó, một số giáo viên chưa chú trọng nhiều đến việc chấm chữa bài cho học sinh, chưa giúp học sinh phát hiện ra những hạn chế và hướng dẫn cách sửa cụ thể. Công tác chuẩn bị bài của giáo viên có lúc chưa chu đáo dẫn đến tiết học chưa thu hút được các em.

docx 15 trang Thu Nga 19/03/2025 190
Bạn đang xem tài liệu "Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp giúp học sinh Lớp 3 viết tốt đoạn văn trong môn Tiếng Việt", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp giúp học sinh Lớp 3 viết tốt đoạn văn trong môn Tiếng Việt

Sáng kiến kinh nghiệm Một số biện pháp giúp học sinh Lớp 3 viết tốt đoạn văn trong môn Tiếng Việt
năng lực ghi nhớ. Sử dụng sơ đồ tư duy là phương pháp hữu hiệu để phác thảo những ý tưởng độc đáo, những tư duy sáng tạo trong điều kiện thời gian bị hạn chế. Đây cũng là phương pháp tốt để học sinh có thể sắp xếp những ý tưởng và xâu chuỗi chúng lại trong các mối liên hệ nhất định. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh sử dụng sơ đồ tư duy trong hoạt động nhóm và làm việc cá nhân để hệ thống kiến thức đã học, triển khai các ý chính cho một đoạn văn
	Ví dụ: Viết đoạn văn tả một đồ chơi của em. 
Giáo viên đưa ra từ chủ đề là “Tả đồ chơi” và đưa ra những gợi ý hình thành tưởng viết cho các em. Sau mỗi gợi ý, giáo viên đồng thời thao tác vẽ tạo sơ đồ tư duy để giúp học sinh đọc và hiểu được, ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn. Sau khi đã làm quen, giáo viên có thể hướng dẫn các em tự vẽ sơ đồ tư duy.
	Từ đây, học sinh đã viết được đoạn văn ngắn khoảng 3 – 4 câu, mỗi câu là một nhánh của sơ đồ. Học sinh đã viết được như sau:
	Món quà ý nghĩa nhất mà em từng được nhận đó chính là chú gấu bông rất xinh xắn màu trắng, đó cũng là món đồ chơi mà em thích nhất. Chú gấu bông là món quà mà bà ngoại tặng em nhân dịp sinh nhật, chú gấu bông có bộ lông màu trắng vô cùng mềm mại, đôi mắt của chú gấu bông to tròn long lanh, chiếc mũi nhỏ xinh và một chiếc mũi chúm chím nhìn rất duyên dáng. Em thường chơi đùa với chú gấu bông, chú gấu giống như một người bạn thân thiết đối với em.
	Sử dụng sơ đồ tư duy kết hợp với lời giảng của giáo viên sẽ giúp học sinh biết cách triển khai ý tưởng viết đoạn văn, đảm bảo cho nội dung đoạn văn rõ ràng, mạch lạc, đủ ý. Giáo viên kết hợp mở rộng vốn từ, cách viết câu để học sinh có thể viết được đoạn văn hay, hấp dẫn, có thể dài hơn số câu yêu cầu đề bài. Qua đó, tạo tiền đề để khi học lên lớp cao hơn, học sinh biết cách lập dàn ý và triển khai thành một bài văn hoàn chỉnh.
 3.6.2. Hướng dẫn viết đoạn văn
	 - Giáo viên cho học sinh đọc lại đoạn văn mà mình đã làm cho cả lớp nghe sau đó phân tích từng câu văn xem nội dung ý nghĩa của các câu đã liên kết với nhau chưa để học sinh tìm ra những điểm chưa đúng về cách sắp xếp câu văn. Câu nào viết trước, câu nào viết sau. Sau đó giáo viên hướng dẫn học sinh sắp xếp lại các câu cho phù hợp với nội dung của bài và hướng dẫn học sinh cách trình bày bố cục của một đoạn văn. 
- Giáo viên đặc biệt chú ý hướng dẫn học sinh nhận ra cấu tạo một đoạn văn. Điều này rất quan trọng khi dạy đối tượng học sinh năng khiếu. Một đoạn văn bao giờ cũng có: câu mở đoạn (tức là giới thiệu về chủ đề mà mình định viết), sau đó là các câu thân đoạn (những câu viết về nội dung đoạn văn), cuối cùng là câu kết đoạn (có thể nêu cảm nghĩ hoặc nêu nhận xét về nội dung vừa viết). 
* Viết câu mở đoạn: Câu mở đoạn giới thiệu đối tượng cần tả, thường diễn đạt bằng một câu.
Ví dụ: Viết đoạn văn tả ngôi nhà của em (TV3, tập 1, tr.96)
	Để hướng dẫn HS viết câu mở đoạn, giáo viên có thể hỏi học sinh: Em định tả cái gì?
	Học sinh có thể viết câu mở đoạn như sau:
	- Em được ở trong một ngôi nhà rất đẹp.
 - Ngôi nhà là tổ ấm của gia đình em.
	- Năm ngoái, bố mẹ em mới xây một ngôi nhà 2 tầng rất đẹp.
	* Viết các câu triển khai: Các câu triển khai trong đoạn nhằm tả về đối tượng: Có thể dựa theo gợi ý, mỗi gợi ý có thể diễn đạt 2 đến 3 câu tùy theo năng lực viết của học sinh.
Ví dụ: Viết đoạn văn tả ngôi nhà của em (TV3, tập 1, tr.96)
	Học sinh có thể viết:
 	Nhà được sơn màu trắng sữa và lát gạch trắng, nên nhìn rất sáng sủa. Cả ngôi nhà gồm có phòng khách, phòng bếp, phòng tắm và hai phòng ngủ. Tuy không quá lớn nhưng nhà của em lúc nào cũng sạch sẽ và thoáng mát.
	* Viết câu kết đoạn: Câu kết đoạn thường nói lên suy nghĩ, tình cảm của người viết về đối tượng được nêu trong bài hoặc nêu ý nghĩa, ích lợi của đối tượng đó đối với cuộc sống, với mọi người.
	Ví dụ: Viết đoạn văn tả ngôi nhà của em (TV3, tập 1, tr.96)
	Học sinh có thể viết:
 - Em rất yêu và tự hào về ngôi nhà của mình.
	- Ngôi nhà là nơi cả gia đình em sum vầy sau mỗi ngày làm việc vất vả.
	Bằng ví dụ về các đoạn văn cụ thể, giáo viên cho học sinh tham khảo nhận ra câu mở đoạn, các câu thân đoạn và câu kết đoạn, giúp học sinh hiểu được vai trò của các câu trong đoạn văn. 
 	Một việc làm cũng hết sức quan trọng là giáo viên cần khuyến khích học sinh tham khảo nhiều đoạn văn hay để làm phong phú hơn vốn hiểu biết của mình và học tập được cách dùng từ, viết câu, viết đoạn. Những đoạn văn hay có thể là đoạn văn do chính học sinh trong lớp viết hoặc những đoạn văn trong các sách tham khảo.
 3.7. Ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học viết đoạn văn 
	Xây dựng thư viện tư liệu: Việc khai thác tư liệu có thể lấy từ các nguồn:
	+ Khai thác thông tin từ tranh ảnh, tư liệu bài giảng từ mạng Internet
	+ Khai thác tranh ảnh từ sách, tài liệu, báo chí, 
	+ Khai thác băng hình, phim video, các phần mềm thông qua các chức năng cung cấp thông tin của máy tính.
 + Tìm kiếm các đoạn văn mẫu.
	Giáo viên cũng cần xác định phương tiện dùng để trải nghiệm gián tiếp trong lớp để xác định mục tiêu, cách thức và sản phẩm trải nghiệm. Ví dụ học sinh được trải nghiệm gián tiếp bằng một đoạn văn mẫu.
	+ Giáo viên có thể trực tiếp cho học sinh đọc một đoạn văn mẫu.
	+ Tổ chức phân tích đoạn văn mẫu để cho học sinh thấy được tác giả quan sát như thế nào (dùng các giác quan gì, phân chia đối tượng ra sao, có những đặc điểm gì đặc sắc, cách liên tưởng, tưởng tượng như thế nào)
+ Tác giả dùng ngôn ngữ tả như thế nào (dùng từ ngữ, câu văn, đoạn văn...)
 Phân tích bài văn mẫu là quá trình tổ chức cho HS học hỏi cách trải nghiệm tác của tác giả.
 Xây dựng bài giảng điện tử: Các phần mềm thiết kế bài giảng điện tử thường được sử dụng trong dạy học Tiếng Việt. Phần mềm công nghệ thông tin được giáo viên sử dụng phổ biến nhất hiện nay là phần mềm Powerpoint. Đây là phần mềm đơn giản, dễ thiết kế trình chiếu và có tác dụng tích cực, rõ nét nhất. Khi giới thiệu, trình bày và khái quát nội dung bài học, mỗi slide được coi là một bộ phận cũng là một hệ thống con trong hệ thống các nội dung mà bài học cần thể hiện. Ở mỗi slide, giáo viên có thể chọn hiệu ứng, đưa các tư liệu (phim, ảnh, nhạc, bài đọc tác phẩm) làm cho bài giảng sinh động lôi cuốn hơn.
 3.8. Động viên, khích lệ học sinh kịp thời
 Khen ngợi là một phần thưởng tinh thần to lớn đối với học sinh tiểu học. Lời khen giúp các em tạo động lực và cải thiện kết quả học tập. Hiện nay, cả giáo viên và phụ huynh đều đánh giá cao sự khích lệ, động viên học sinh của thông tư 27/2020/TT-BGDĐT quy định đánh giá học sinh tiểu học. Việc động viên, khích lệ học sinh kịp thời sẽ giúp học sinh tự tin, nhân cách của học sinh ngày càng được hoàn thiện, hành vi tích cực sẽ được phát huy. Ngược lại, phê bình, trách mắng, chỉ trích càng làm cho lòng tự trọng của trẻ bị tổn thương dẫn đến trẻ ngày càng tự ti, sợ sệt, không có hứng thú với môn học dẫn đến kết quả học tập chưa cao.
 Vì thế, ở lớp tôi đã áp dụng hình thức khen ngợi bằng nhiều cách khác nhau như: chia nhóm thi đua để tạo động lực cho học sinh, các nhóm cùng nhau thi đua để dành những phần thưởng khen ngợi, thưởng sticker ngay sau khi con hoàn thành tốt bài. Cuối tuần, vào giờ sinh hoạt lớp tôi sẽ cùng các em tổng kết nhóm, cá nhân có thành tích tốt trong tuần vừa qua. Từ đó, tôi thấy sự thay đổi, cố gắng rõ rệt trong việc học của học sinh.
 Việc làm này không chỉ áp dụng ở môn Tiếng Việt nói riêng mà còn có thể áp dụng ở nhiều môn học khác trong chương trình học nói chung. Việc khích lệ, động viên học sinh kịp thời sẽ giúp các em ngày càng tiến bộ, phát huy được điểm mạnh của mình.
 Chính vì vậy, hàng ngày thay vì trách phạt và chê bai học sinh tôi sẽ dành
cho các em những lời khen ngợi chân thành khi các em có sự tiến bộ. Đối với những em học Tiếng Việt chưa tốt, bài làm còn mắc lỗi, tôi gợi ý để các em tìm ra lỗi sai trong bài và sửa lại dưới sự hướng dẫn của cô giáo.
 Bên cạnh đó, tôi luôn chú trọng việc nhận xét, đánh giá các sản phẩm học tập của học sinh để động viên, khích lệ các em kịp thời.
 Từ những việc làm đó đã giúp học sinh tự tin hơn, mạnh dạn hơn và là động lực cho học sinh không ngừng cố gắng.
4. Cách thức, quy trình thực hiện biện pháp 
 Việc nghiên cứu để xây dựng đề tài: “Một số biện pháp giúp học sinh lớp 3 viết tốt đoạn văn trong môn Tiếng Việt” được tiến hành từ đầu năm và đã thu được kết quả tốt ở thời điểm hiện tại của lớp 3E tôi đang giảng dạy. Việc thực hiện các biện pháp được thực hiện trong môn Tiếng Việt. Kết quả về sự tiến bộ của học sinh trong giờ học đã được tôi ghi chép lại để so sánh, rút kinh nghiệm vào từng thời điểm của năm học để đề ra các biện pháp giảng dạy đạt hiệu quả cao hơn.
 III. THỰC NGHIỆM BIỆN PHÁP TẠI ĐƠN VỊ
 1. Đối tượng, nội dung, phương pháp thực nghiệm
1.1. Đối tượng thực nghiệm
 - Học sinh lớp 3E trường Tiểu học An Tiến, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. 
 1.2. Nội dung thực nghiệm
 Biện pháp rèn kĩ năng viết văn cho học sinh lớp 3 trong môn Tiếng Việt.
 1.3. Phương pháp thực nghiệm
Trong quá trình nghiên cứu tôi vận dụng và phối hợp các phương pháp sau: 
 - Phương pháp nghiên cứu tài liệu
 - Phương pháp nghiên cứu bằng điều tra, quan sát.
 - Phương pháp tổng kết kinh nghiệm.
 - Phương pháp thực nghiệm thống kê kết quả.
 - Phương pháp điều tra thực trạng.
 - Phương pháp thực hành
 2. Tiến trình thực nghiệm
 * Bước 1: Khảo sát chất lượng viết đoạn văn của học sinh thông qua các tiết dạy ngay từ đầu năm học
 * Bước 2: Áp dụng các biện pháp đã nêu ở trên để rèn kĩ năng viết văn cho học sinh nhằm nâng cao năng lực.
 * Bước 3: Thường xuyên luyện tập, kiểm tra, đánh giá kĩ năng của học sinh qua từng giờ học, từng tháng, từng kì.
 * Bước 4: Đánh giá kết quả thực nghiệm thông qua các tiết dạy trên lớp.
 3. Đánh giá kết quả thực nghiệm
 Sau một thời gian áp dụng các biện pháp nêu trên, chất lượng viết đoạn văn của học sinh lớp tôi đã tiến bộ rõ rệt. 
Thời điểm khảo sát
Tổng số học sinh
Hoàn thành tốt
Hoàn thành
Chưa hoàn thành
SL
%
SL
%
SL
%
Đầu năm
năm

32
15
46,9
15
46,9
2
6,2
Cuối HK1
32
 21
 65,6
 11 114 11514 14
34,4
 0
 0

 Học sinh yêu thích môn học và tích cực học tập hơn. Tất cả học sinh trong lớp đều biết trình bày một đoạn văn. Đa số các em biết sắp xếp các câu theo trình tự hợp lý, liên kết các câu thành một đoạn văn có nội dung đầy đủ. Nhiều học sinh viết đoạn văn có bố cục chặt chẽ. Vốn hiểu biết và khả năng liên tưởng của các em ngày thêm phong phú. Nhiều em biết vận dụng hai biện pháp tu từ so sánh và nhân hóa để viết đoạn văn. Có những em viết được đoạn văn dài, câu văn giàu hình ảnh, có cảm xúc. Đặc biệt với các biện pháp hướng dẫn trên, học sinh rất hứng thú, tích cực tham gia vào các hoạt động học tập. Qua hệ thống các bài tập trong các tiết học, dần dần tôi đã hình thành ở các em kĩ năng viết đoạn văn, giúp cho tư duy ngôn ngữ của học sinh ngày càng phát triển. Thông qua việc luyện tập viết nhiều đoạn văn có tác dụng bồi dưỡng học sinh có năng lực học tập tốt môn Tiếng Việt. 
 Từ kết quả trên, tôi thấy biện pháp rèn kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh lớp 3 của tôi đưa ra có hướng khả thi cao so với lớp mình. Bản thân tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm và nâng cao được năng lực chuyên môn, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong dạy học. 
IV. KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT
 1. Kết luận
 Bất kì mỗi ai nhìn đoạn văn của học sinh với những dòng chữ đều tăm tắp, sạch sẽ, diễn đạt rõ ràng, đủ số câu, ý phong phú, lôi cuốn, hấp dẫn người đọc thì cũng đều thấy thích thú và vui mừng. Chúng ta như đặt niềm tin vào tương lai con trẻ. Việc dạy cho học sinh biết cách học tốt luyện viết đoạn văn cũng là môi trường quan trọng bồi dưỡng cho trẻ những phẩm chất tốt như tính cẩn thận, chịu khó, tự tin, óc tư duy, sáng tạo, Bên cạnh đó, tôi nhận thấy rằng những em tiếp thu chậm, việc viết đoạn văn sạch sẽ, rõ ràng là yêu cầu không quá cao, nhưng muốn viết hay thì yêu cầu trẻ phải kiên nhẫn, gắng công khổ luyện nhiều hơn.
Qua thực hiện các giải pháp trên, tôi rút ra bài học kinh nghiệm sau:
- Xác định được mục tiêu, nội dung, yêu cầu của bài.
- Có phương pháp, hình thức tổ chức dạy học phong phú và hấp dẫn, không hoàn toàn phụ thuộc vào sự hướng dẫn của sách giáo viên hay bất kì tài liệu nào khác.
- Hình thành cho các em thói quen học tập, làm việc một cách khoa học.
- Quan sát thực tế, sử dụng đồ dùng dạy học, câu hỏi gợi ý dẫn dắt học sinh hình thành kĩ năng và kiến thức mới.
- Đặt các tình huống có vấn đề giúp học sinh luôn suy nghĩ, tìm tòi để phát triển tư duy, học cách ghi nhớ để nhớ lâu kiến thức. 
- Sử dụng nhiều hình thức: thi đua, khen thưởng, trò chơi học tập khuyến khích các em nỗ lực trong học tập.
- Áp dụng linh hoạt công nghệ thông tin vào giảng dạy để tìm ra kiến thức, nắm được nội dung của bài.
- Tổ chức tiết học nhẹ nhàng, học mà chơi – chơi mà học bằng các trò chơi phù hợp với từng nội dung của bài.
- Biết đặt vấn đề một cách dễ hiểu, logic mở, có ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu, biết giải quyết các tình huống có vấn đề một cách khéo léo.
- Động viên, khích lệ học sinh kịp thời để tạo động lực cố gắng cho các em trong quá trình học tập sau này.
- Giáo viên cần phải thương yêu, gần gũi giúp đỡ học sinh, luôn quan tâm tìm hiểu xem các em vấp phải khó khăn gì trong việc làm bài để từ đó khắc phục những khó khăn các em vướng mắc.
- Thực hiện việc chấm bài thường xuyên, nhận xét cụ thể những ưu điểm, tồn tại của học sinh để học sinh ngày càng tiến bộ.
Có thể nói, để gặt hái được nhiều thành công trong mọi việc đều phải có lòng say mê và tinh thần quyết tâm thực hiện. Chính vì vậy, ngoài những biện pháp trên thì người thầy phải khơi dậy ở các em lòng say mê học tập, thổi vào học sinh luồng sinh khí mới với những hoài bão và ước mơ cao đẹp. Giáo viên liên tục khích lệ những em học tốt môn học này nhằm động viên phong trào học tập ngày một tốt hơn trong nhà trường hiện nay.
Cần giữ mối liên hệ thường xuyên với cha mẹ học sinh, vì cha mẹ học sinh là nhân tố quan trọng giúp các em thực hiện tốt việc học tập.
 2. Đề xuất
 a. Đối với nhà trường
- Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị dạy học cho học sinh như: máy chiếu, tranh ảnh, bộ đồ dùng học Tiếng Việt, ...
- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, tổ chức cho giáo viên đi học tập kinh nghiệm ở trường bạn.
 b. Đối với các cấp quản lý giáo dục 
 - Nên tổ chức lớp tập huấn, hướng dẫn chuyên đề để giáo viên có thêm kinh nghiệm giảng dạy, đặc biệt là các chuyên đề hướng dẫn phương pháp dạy học môn Tiếng Việt ở Tiểu học.
 Trên đây là biện pháp của tôi trong việc rèn kĩ năng viết đoạn văn cho học sinh lớp 3 trong môn Tiếng Việt. Tôi rất mong Hội đồng khoa học đóng góp ý kiến, bổ sung cho đề tài của tôi được tốt hơn. Tôi xin chân thành cảm ơn!
IV. TÀI LIỆU THAM KHẢO 
1. Sách giáo khoa Tiếng Việt 3 tập 1, 2 – NXB Giáo dục Việt Nam
2. Tạp chí giáo dục
3. Phương pháp dạy Tiếng Việt ở Tiểu học – Lê Phương Nga
4. Quyết định 16 về chuẩn kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt
5. Điều chỉnh dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học
6. Đổi mới phương pháp dạy học ở Tiểu học – NXB Giáo dục, Hà Nội
An Tiến, ngày 10 tháng 01 năm 2024
XÁC NHẬN CỦA BGH NHÀ TRƯỜNG
TÁC GIẢ
 Bùi Thị Minh Hoa

File đính kèm:

  • docxsang_kien_kinh_nghiem_mot_so_bien_phap_giup_hoc_sinh_lop_3_v.docx